Châu Phi Săn voi

Tình hình chung

Số lượng voi châu Phi đang sút giảm mạnh vì nạn săn bắn trộm để lấy ngà

Vào năm 2007, trên toàn châu Phi có từ 500 ngàn đến 650 ngàn con voi. Trong số này khoảng 39% sống ở phía nam lục địa, 29% ở miền trung, 26% ở phía đông và chỉ có 5% tại tây Phi. Quần thể voi châu Phi hiện nay còn khoảng 427.000 con (một thống kê khác thì trong môi trường tự nhiên hiện có khoảng 470.000-690.000 voi châu Phi). Nạn phá rừng và săn bắn trộm đang đe dọa sự sinh tồn của chúng. Voi rừng châu Phi ngày càng ít chủ yếu do săn bắn, xu hướng tiến đến tuyệt chủng nhanh chóng, có thể là trong thập kỷ tới nếu không có những biện pháp bảo vệ cần thiết. Gần một phần ba diện tích đất sinh sống của voi rừng châu Phi, nơi chúng có thể sống 10 năm trước đây, đã trở nên quá nguy hiểm với voi. Về mặt lịch sử, voi từng sinh sống khắp cánh rừng ở khu vực rộng lớn hơn 2 triệu km2, giờ đây co lại chỉ còn một phần tư.

Mặc dù rừng vẫn còn nhưng không có voi xuất hiện cho thấy đây không hẳn là vấn đề về sự xuống cấp của sinh cảnh sống, nguyên nhân hầu như hoàn toàn do săn bắt. Voi ngày càng biến mất nhiều hơn ở những nơi có nhiều người sinh sống, nhiều công trình như đường sá, mức độ săn bắn cao và quản lý kém thể hiện bằng tham nhũng và thiếu thực thi luật, dọc con đường buôn lậu ngà voi, tại nơi tiêu thụ ở các nước phía đông. Voi rừng cần hai thứ là không gian đủ sinh sống và sự bảo vệ, các con đường không có bảo vệ, thường là dính líu tới khai thác gỗ hoặc các tài nguyên thiên nhiên khác, ngày càng lấn sâu vào khu vực tự nhiên và kéo theo cái chết của voi.

Buôn bán bất hợp pháp ngà voi tại châu Phi đã tăng sau khi lệnh cấm buôn bán quốc tế của CITES được nới lỏng vào năm 2007 và cho phép các quốc gia châu Phi bán kho ngà voi có nguồn gốc từ các cá thể voi đã chết trong tự nhiên hoặc do bệnh tật. Hiện tượng săn bắt voi lấy ngà đáp ứng nhu cầu ngà voi của Trung Quốc đang là một vấn nạn nghiêm trọng ở châu Phi. Giới khoa học bảo tồn đang kêu gọi các biện pháp khẩn cấp để cứu loài voi, khi 62% số lượng voi rừng châu Phi đã mất đi trong thập kỷ qua. Sự suy giảm ghi nhận ở khắp các khu vực sinh sống của voi rừng tại Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa dân chủ Congo, Gabon và Cộng hoà Congo. Tại Cộng hoà dân chủ Congo số lượng voi giảm mạnh tại Khu bảo tồn động vật Okapi, nơi được coi là pháo đài cuối cùng của voi ở khu vực.

Thực trạng

Xác một con voi chết

Theo thống kê, tổng đàn voi châu Phi có 600.000 con mỗi năm chết khoảng 38.000 con. Con số này dựa trên số vụ buôn bán ngà voi trái phép và nó vượt quá tỷ lệ sinh hằng năm của loài voi. Điều đó có nghĩa nếu thế giới không có biện pháp can thiệp, voi châu Phi có thể đối mặt với thảm cảnh tuyệt chủng toàn diện trong vòng 15 năm tới. Năm 2005, công viên quốc gia Zakouma ở Chad có 3.885 con voi, nhưng đến năm 2009 con số này tụt xuống chỉ còn 617. 20 năm sau khi lệnh cấm mua bán ngà voi quốc tế có hiệu lực, voi ở châu Phi vẫn là mục tiêu của bọn săn bắt trộm, tình trạng mua bán ngà voi khắp mọi nơi chính là mối họa đối với sự sống còn của voi.

Tỷ lệ này giảm nhẹ trong giai đoạn 2012-2013 song vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, trong năm 2011 - thời điểm nạn săn bắn voi trái phép vượt tầm kiểm soát, số lượng voi giảm tới 8%, tương đương khoảng 40.000 con voi bị giết hại. Tại Botswana, Namibia và Nam Phi, những chú voi châu Phi được bảo vệ tốt hơn, đặc biệt tại Trung Phi, Tanzania và Mozambique - nơi sinh sống của hơn 70% số voi sống trong môi trường tự nhiên. Tỷ lệ voi tử vong vì săn trộm trên toàn châu Phi vào khoảng 8% một năm, cao hơn tỷ lệ tử vong hàng năm 7.4% đã khiến Chính phủ nhiều nước ban hành lệnh cấm buôn bán ngà voi quốc tế gần 20 năm trước.

Tuy nhiên tỷ lệ tử vong do săn trộm cuối những năm 1980 được thống kê dựa trên số lượng hơn 1 triệu con voi. Ngày nay, tổng số voi trên toàn châu Phi ít hơn 470.000 con. Nếu chiều hướng này tiếp tục diễn ra, sẽ không còn bất cứ con voi nào ngoài những vùng được rào kiên cố cùng với lực lượng bảo vệ đông đảo. Tỷ lệ voi châu Phi bị những kẻ săn bắn trộm giết hại mỗi năm còn cao hơn tỷ lệ sinh của loài này. Số lượng voi châu Phi giảm khoảng 2% mỗi năm, và tỷ lệ này trong những năm gần đây cao hơn hẳn so với các ước tính trước đó.Tính trung bình, những kẻ săn bắn trộm đã giết hại hơn 33.600 con voi mỗi năm trong giai đoạn 2010-2012.

Các quốc gia châu Phi sẽ thiệt hại 20% số lượng voi trong thập kỷ tới, săn bắt voi ở châu Phi đang trở thành vấn nạn và sẽ dẫn đến tuyệt chủng loài nếu tỷ lệ tàn sát vẫn tiếp tục. Hoàn cảnh này cũng đặc biệt ở Trung Phi khi tỷ lệ giết hại voi ở đây gấp đôi so với mức trung bình của toàn châu lục. Voi ở Trung Phi đang ở trung tâm của các cuộc đụng độ mặc dù mức độ săn bắt ở các tiểu vùng khác như miền Nam và miền Bắc châu Phi còn cao hơn nhiều lần. Đói nghèo và lạc hậu tại các quốc gia châu Phi cùng với nhu cầu ngày càng tăng về ngà voi ở các nước tiêu thụ là những nguyên nhân chính của tình hình săn bắt voi bất hợp pháp ngày càng tăng. Voi châu Phi sẽ suy giảm 1/5 quần thể trong 10 năm tới. Nguyên nhân voi châu Phi sắp có nguy cơ tuyệt chủng là do nạn buôn bán ngà voi ngày càng phổ biến. Chi phí để săn bắn hợp pháp một con voi châu Phi ở Zimbabwe là 50.000 USD[2].

Các biện pháp

Tại nhiều nơi ở châu Phi, loài voi đang dần biến mất do việc buôn bán ngà voi vượt ngoài tầm kiểm soát. Khắp châu Phi, tình trạng săn bắt voi đang lên tới mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Trong những năm 80 của thế kỷ 20, hơn một nửa số voi châu Phi đã bị xóa sổ. Hầu hết chúng chết do những kẻ săn trộm voi lấy ngà. Nhưng vào tháng 1 năm 1990, nhiều nước trên thế giới đã ký một lệnh cấm quốc tế về việc buôn bán ngà voi. Năm 1989, Hội nghị thương mại quốc tế về các loài bị nguy hiểm trong quần thể động thực vật đã cấm hầu hết các trao đổi buôn bán ngà voi quốc tế. Lệnh cấm này có hiệu lực với tất cả các hoạt động trao đổi buôn bán ngà voi ngoại trừ ngà voi được các quốc gia khai thác một cách hợp pháp từ các đàn voi của họ hoặc từ những con voi đã chết.

Một cái ngà voi được chạm trổ tinh xảo

Tại thời điểm lệnh cấm được ban hành, những kẻ săn trộm giết trung bình 70.000 con voi một năm. Lệnh cấm đã thúc đẩy những nỗ lực cưỡng chế mạnh mẽ, khiến việc săn trộm gần như dừng ngay lập tức. Nhu cầu sử dụng ngà voi trên thế giới giảm nhờ một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng trên toàn thế giới. Số lượng voi đã bắt đầu tăng trở lại. Tuy nhiên, thành công bước đầu khiến việc thi hành lệnh cấm sau đó trở nên lơi lỏng. Các nước phương Tây đã rút bỏ trợ giúp 4 năm sau khi lệnh cấm được ban hành khiến việc săn trộm dần dần tăng lên cho đến tỷ lệ báo động. Voi châu Phi lại thêm một lần nữa bị săn đuổi để lấy ngà với tốc độ chưa từng thấy kể từ khi lệnh cấm quốc tế về việc buôn bán ngà voi có hiệu lực năm 1989.

Những tiến triển tích cực ban đầu này đã bị đảo ngược. Ước tính có khoảng 100.000 cá thể voi đã bị sát hại trong các năm từ 2010 đến 2012 tại châu Phi[3]. Giới bảo tồn ước tính 25.000 con voi đã bị sát hại trong năm 2011[4], một năm mà nạn săn voi đã lên đến đỉnh điểm[5], trong đó 15.000 cá thể voi châu Phi đã bị giết hại tại 42 địa điểm thuộc 27 quốc gia châu Phi. Năm 2012, tổng số voi châu Phi bị giết hại bất hợp pháp trên toàn châu Phi lên tới 22.000 cá thể, giảm chút ít so với năm 2011. Trong năm 2013, cũng chừng 22.000 cá thể voi thiệt mạng vì những cuộc săn trộm. số liệu thống kê các vụ bắt giữ có quy mô lớn trong năm 2013 (từ mức độ 500 kg ngà voi/vụ tại một địa điểm) cho thấy lượng ngà voi bị tịch thu đã đạt mức cao nhất trong 25 năm qua. Một số vụ lớn cho thấy có sự tham gia của các tổ chức tội phạm và qua 18 vụ bắt giữ đã tịch thu 41,6 tấn ngà voi trong năm 2013, tăng 20% so với số liệu năm 2011.

Trong năm 2011, số lượng ngà voi bị tịch thu ước tính hơn 23 tấn, cao gấp đôi so với mức 10 tấn của năm 2010 - tương đương 2.500 con voi, hoặc nhiều hơn thế, đã bị giết. Giá ngà voi có thể lên đến 1.000 USD/pound (1pound=0,45 kg) khiến năm 2011 cũng trở thành năm cao độ nhất của nạn buôn bán bất hợp pháp ngà voi trong 16 năm qua[6]. Kể từ năm 1989, thời điểm cấm buôn bán ngà voi trên thế giới, chưa bao giờ nạn giết voi buôn lậu ngà lại phát triển mạnh như trong năm 2011. Nếu chỉ tính những vụ buôn lậu có quy mô lớn, với hơn 800 kg ngà voi, thì riêng trong năm 2011 đã có tới 13 vụ được phát hiện so với 6 vụ trong năm 2010. Tệ nạn buôn bán ngà voi gia tăng cho thấy nhu cầu tại châu Á cao và mức độ ngày càng tinh vi của các băng đảng tội phạm tiến hành buôn lậu sản phẩm này.[7].

Tại Kenya

Số phận của loài voi ở Kenya đang trở nên mong manh bởi những kẻ đi săn hám lợi và liều lĩnh. Ở đất nước Kenya, hàng năm có khoảng 100 con voi bị giết. Ngà voi trở thành mục tiêu săn bắn của nhiều người bởi chúng có giá trị lớn. Theo nhiều nguồn tin, giá 1 kg ngà voi ở các khu chợ đen khoảng 1.800 USD. Mỗi chiếc ngà voi lớn có thể mang lại cho người bán một khoản tiền hấp dẫn 6.000 USD (khoảng 120 triệu VNĐ), đủ để cho một người dân Kenya ăn chơi thỏa thích hàng năm trời. Các đồ mỹ nghệ làm từ ngà voi nhanh chóng chinh phục giới có tiền, và nó trở thành thước đo của sự quyền quý. Loài voi ở Kenya đang bị đe dọa bởi sức hấp dẫn của bộ ngà mà chúng mang. Khu bảo tồn Tsavo là nơi trú ngụ của hơn 12.000 con voi. Cuộc chiến bảo vệ voi ở Kenya vô cùng khốc liệt.

Trong một năm qua, 6 kiểm lâm đã chết trong lúc thực thi nhiệm vụ, đồng thời cũng đã có 23 thợ săn bỏ mạng trong khi săn trộm. Đôi khi, phát hiện được một chú voi bị chết, các kiểm lâm cũng lấy ngà và đem đi, quyết tâm không cho lũ thợ săn hưởng lợi. Số ngà voi trái phép thu được sẽ bị tiêu hủy. Từng có cuộc tiêu hủy 5,5 tấn ngà voi trái phép và hành động này được coi là thể hiện sự quyết tâm của các quốc gia trong khu vực để chấm dứt nạn săn trộm ngà voi và tội phạm sắn bắt động vật hoang dã khác. Lực lượng bảo vệ voi tại Kenya sẵn sàng bắn chết những kẻ săn trộm, song dường như hành động quyết liệt của họ không hề khiến những người hám lợi nao núng. Số phận của những con voi châu Phi đang trở nên mong manh nhất trong vòng 20 năm qua do hoạt động liều lĩnh và rầm rộ của những kẻ săn voi máu liều.

Nạn săn trộm voi tăng lên đáng kể những năm gần đây ở Đông Phi với việc sát hại cả đàn voi để lấy ngà. Năm 2010, những kẻ săn trộm ở Kenya giết hại 384 con voi, trong khi năm 2011 là 289. Kể từ đầu năm 2012, 74 con voi đã bị giết. Năm 2011, 2012 và 2013 là đỉnh điểm của nạn săn bắn bất hợp pháp trong suốt giai đoạn kể từ những năm 1980 tới nay tại Kenya. Nạn săn bắn bất hợp pháp chỉ giảm vào năm 2014 với 164 cá thể voi và 35 cá thể tê giác bị giết (so với 302 cá thể voi và 59 cá thể tê giác bị giết năm 2013). Hiện tượng giảm nhất thời nói trên chịu ảnh hưởng từ các án phạt nặng được thông qua vào năm 2014 đối với các tội buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã. Trong năm 2014, các nhân viên Kiểm lâm đã bắn chết một tay săn trộm sau khi tên này và đồng bọn sát hại một cá thể voi. Các tay săn trộm còn lại đã chạy trốn sau khi kịp cưa ngà voi.[3].

Có 11 con voi bị sát hại trong một công viên quốc gia của Kenya, đây là vụ thảm sát voi nghiêm trọng nhất trong ba thập niên qua vào tháng 1/2011. Trong các vụ thảm sát, thợ săn đã cắt mặt voi để lấy ngà. Thi thể ba con voi bị bọn săn trộm sát hại tại Kenya. Xác ba con voi nằm chất đống lên nhau dưới ánh nắng nóng như thiêu đốt của Kenya. Trong cơn hoảng loạn, chắc chắn những con voi đã co cụm vào nhau hòng tìm kiếm sự an toàn. Một vệt máu đen dày giúp người ta tìm thấy nơi mà chúng trút hơi thở cuối cùng. Có chín con voi đã bị sát hại bên ngoài công viên quốc gia Tsavo, phía đông nam Kenya sau đó một bầy voi gồm 12 con cũng bị bắn chết trong khu vực ấy. Trong cả hai vụ thảm sát, phần mặt voi đã bị chém để lấy ngà; giòi bọ, ruồi muỗi bâu kín phần còn lại. Đó là một số lượng voi chết lớn, chỉ tính với một vụ việc riêng lẻ[4]. Tháng 5 năm 2014, con voi Mountain Bull ở Kenya nổi tiếng về sự thông minh, vì đôi ngà to mà bị bắn chết tại khu bảo tồn Kenya Mount. Khi các nhân viên bảo vệ tiếp cận nó, 6 viên đạn vẫn còn găm trên mình con vật. Các nhà bảo tồn từng gây mê và cắt ngà của con voi 6 tấn để giảm sức hút đối với những kẻ đi săn. Tuy nhiên, con vật 46 tuổi vẫn không thoát khỏi tầm ngắm của thợ săn.

Một xác con voi chết đã bị lấy ngà

Với tốc độ tàn sát voi như hiện nay, loài voi có thể sớm biến mất hoàn toàn khỏi thế giới tự nhiên. Nếu giá ngà voi tiếp tục tăng và việc giết hại voi vẫn tiếp diễn, trong vòng 15 năm tới, voi sẽ biến mất hoàn toàn ở phía bắc Kenya. Ở những nơi mà voi không được bảo vệ, người ta sẽ tiếp tục giết chúng bởi chúng là loài vật có giá trị. Những sự việc đang xảy ra tại Kenya cũng sẽ tái diễn ở những quốc gia châu Phi khác[8]. Lực lượng kiểm lâm tại khu bảo tồn Lewa, Kenya, nơi sinh sống của khoảng 300 con voi, đang hoạt động tích cực hàng ngày để bảo vệ voi khỏi họng súng và mũi tên của thợ săn[9]

Tuy thế, Kenya vẫn là một trong số những quốc gia đang thực hiện những biện pháp chống nạn săn trộm voi hiệu quả nhất châu Phi. Ngoài lực lượng bảo vệ đông vật hoang dã Kenya (thuộc chính phủ), cộng đồng địa phương và các nhà bảo tồn tư nhân cũng đang thành lập những đội kiểm lâm vũ trang. The Northern Rangelands Trust có một “đội phản ứng nhanh” gồm 12 người đàn ông được trang bị súng. Họ cắm trại trên vùng đất đầy bụi gai ở phía bắc Kenya, theo dõi những đàn voi và lần theo dấu vết những kẻ săn trộm. “Đội phản ứng nhanh” thực chất là một lực lượng bán quân sự do nhà nước cấp phép. Bắt giữ những kẻ săn trộm là công việc lãng phí thời gian, bởi chúng hiếm khi bị truy tố và có thể thoát tội bằng cách nộp một khoản tiền phạt nhỏ. Khi gặp một kẻ săn trộm sẽ bắn hắn. Đó là cách duy nhất để bảo vệ động vật hoang dã. Những kẻ săn trộm không nao núng trước những biện pháp cứng rắn của nhà chức trách.

Chính phủ Kenya có các biện pháp trừng phạt mạnh tay những kẻ săn trộm và buôn lậu ngà voi để bảo vệ loài động vật này bằng việc tuyển 1.000 kiểm lâm chống nạn săn trộm voi. Quyền hạn các tòa án Kenya còn hạn chế trong việc áp dụng hình phạt tù hoặc xử phạt hành chính đối với người bị truy tố về tội phạm này. Các hình phạt và tiền nộp phạt còn quá nhẹ. Để giải quyết vấn đề trên, chính phủ Kenya sẽ xem xét lại chính sách và pháp luật về động vật hoang dã với mục tiêu các mức phạt tiền và phạt tù đủ sức răn đe. Mặt khác, chính phủ cho phép tuyển dụng thêm 1.000 cán bộ kiểm lâm.

Các hình phạt tối đa cho tội phạm môi trường nghiêm trọng nhất là phạt tiền 40.000 shilling Kenya, tương đương 470 USD và 10 năm tù giam. Từng có một kẻ buôn lậu Trung Quốc bị bắt giữ tại Kenya với 439 chiếc ngà voi bị phạt khoảng 265 euro. Ngà voi được giao dịch với giá khoảng 2.500 USD/kg trên thị trường chợ đen. Nhà chức trách Kenya cũng phát hiện hơn 600 đoạn ngà voi với tổng khối lượng khoảng hai tấn tại một thành phố cảng.Nhu cầu đối với ngà voi đang đe dọa sự sinh tồn của voi ở châu Phi. Các nhân viên hải quan đã tịch thu toàn bộ ngà voi, song không ai bị bắt, lô hàng xuất phát từ Tanzania và sẽ tới Indonesia. Kenya cũng đã tiêu hủy hơn 15 tấn ngà voi này[10].

Tại Gabon

Nạn giết voi châu Phi vượt khỏi tầm kiểm soát. Bọn săn trộm đã giết hơn 11.000 con voi tại Gabon, nơi từng được coi là thiên đường của voi rừng châu Phi, để lấy ngà từ năm 2004 tới nay. Ở cánh rừng Gabon trong hơn một thập kỷ xác voi ngày càng nhiều hơn. Chính phủ Gabon tuyên bố mất gần 11.000 con voi rừng ở Vườn quốc gia Minkébé từ 2004 đến 2012, nơi có số lượng voi rừng lớn nhất châu Phi (có hơn một nửa voi rừng châu Phi, khoảng 40.000 con, sống tại Gabon) Ngà của voi tại Gabon là thứ hấp dẫn đối với bọn săn trộm vì chúng rất cứng và có sắc hồng.

Gabon từng được coi là thiên đường của voi rừng châu Phi. 44-77% số lượng voi tại Gabon, tương đương với hơn 11.000 con, đã bị giết trong khoảng thời gian từ năm 2004 tới nay. Khoảng 50 tới 100 con voi bị hạ sát mỗi ngày trong vườn quốc gia Minkebe vào năm 2011. Phần lớn hung thủ giết voi tới từ Cameroon. Sau khi hạ sát voi, chúng thuê người vận chuyển ngà qua biên giới phía bắc của Gabon.

Giới bảo tồn luôn nghĩ Gabon là nơi an toàn đối với voi rừng châu Phi. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy nạn săn voi tại đây đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính phủ. Nhu cầu cao đối với đồ trang sức và các sản phẩm khác từ ngà voi tại châu Á khiến bọn săn trộm đẩy mạnh hoạt động giết voi trong những năm qua. Trước đây Cộng hòa Dân chủ Congo, nước láng giềng của Gabon, là điểm nóng về nạn săn trộm voi.

Nhưng do nhu cầu mua ngà voi tăng vọt ở châu Á nên bọn săn trộm từ Congo tràn sang cả những vạt rừng trong vườn quốc gia Minkebe của Gabon để tìm voi. Chính phủ Gabon đã tăng cường các biện pháp chống săn trộm voi, song những biện pháp đó không phát huy tác dụng. Diện tích vườn quốc gia Minkebe vào khoảng 30.000km2, tương đương với diện tích nước Bỉ. Đường mòn không tồn tại trong vườn quốc gia Minkebe nên nhân viên bảo vệ rừng không thể phát hiện và theo dõi những kẻ săn trộm.

Tại Cameroon

Chỉ tính riêng ở vườn quốc gia Buoba Ndjidah ở Cameroon, 300 con voi đã bị giết hại trong vòng một thập kỷ qua. Mỗi năm trên thế giới, có hàng ngàn chú voi bị giết hại dã man chỉ để lấy những cặp ngà đầy giá trị. Có những người lấy ngà voi để làm bùa may mắn, có người lại để chế tác thành những tác phẩm nghệ thuật. Để có được chiếc ngà voi đó, rất nhiều con voi đã bị sát hại. Để thỏa mãn sở thích của những người lắm tiền nhiều của, rất nhiều thợ săn đã vào cuộc.

Vườn quốc gia Buoba Ndjidah ở Cameroon ghi nhận khoảng 300 con voi đã bị giết hại trong vòng 1 thập kỷ qua. Các thợ săn được trang bị khá tốt với súng, lựu đạn, cùng kinh nghiệm săn bắt lâu năm. Những chiếc ngà voi thô sẽ được chuyển về các xưởng mỹ nghệ ở châu Á để chế tác. Một số tổ chức nghệ thuật ở các nước châu Á vẫn mong muốn nhân rộng nghề điêu khắc trên ngà voi, họ coi đây là môn nghệ thuật tạo ra những kiệt tác cho nhân loại.

Có những vụ giết hàng trăm con voi rừng bị thảm sát tại Cameroon. Một nhóm thợ săn đến từ Sudan đã giết hàng trăm chú voi để lấy ngà tại Công viên quốc gia Bouba Ndjida ở phía Bắc Cameroon, gần biên giới với Chad. Tối thiểu 100 xác voi đã được tìm thấy trong công viên vào tháng trước và những vụ săn bắn vẫn diễn ra. Tất nhiều voi con đã trở nên mồ côi sau những vụ săn bắn trên và có thể chúng cũng sẽ chết sớm vì đói khát. Việc săn bắn trộm tại Cameroon đang đe dọa nghiêm trọng tới số lượng loài voi tại đây.

Việc những nhóm thợ săn trang bị đầy đủ vũ khí vượt biên từ Sudan sang đây trong mùa khô để săn voi lấy ngà là rất phổ biến. Ngà voi sau đó sẽ được tuồn sang phương Tây và Trung Phi để bán cho các thị trường châu Á và châu Âu, và tiền thu về sẽ được dùng để trang bị vũ khí cho những cuộc chiến tranh trong khu vực, vốn thường xuyên diễn ra tại Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Kể từ năm 2009, tổ chức IFAW đã tổ chức huấn luyện và hỗ trợ cho các kiểm lâm, tổ chức bảo tồn chống lại nạn săn trộm tại các nước Trung Phi, nơi thường phải đối mặt với việc buôn bán ngà voi dã man và bất hợp pháp.

Tại Nigeria

Ngà voi

Tại Nigeria gần đây có người đã đếm được hơn 14.000 ngà voi hoặc các sản phẩm từ ngà voi trong khu chợ Lekki, thành phố Lagos. Trước đó, trong lần khảo sát vào năm 2002 tại khu chợ ấy, họ phát hiện khoảng 4.000 vật phẩm từ ngà voi. Như vậy, con số này đã tăng gấp 3 lần trong vòng 10 năm. Chợ Lekki trong thành phố Lagos, Nigeria là nơi người ta có thể mua mọi sản phẩm từ ngà voi. Các nhà buôn địa phương mời chào khách bằng từ “xiang ya”: Tượng ngà (tiếng Trung Quốc phổ thông, nghĩa là "ngà voi"). Nhiều mặt hàng chạm khắc được làm từ ngà voi như vòng, lược, đũa và các chuỗi hạt hiện diện trong chợ.

Nigeria là trung tâm trong hoạt động buôn bán trái phép ngà voi châu Phi. Năm 2011, chính phủ Nigeria đã ban hành lệnh cấm nghiêm ngặt nhằm kiểm soát hoạt động buôn bán ngà voi. Việc trưng bày, quảng cáo, mua hoặc bán ngà voi đều là hành vi bất hợp pháp. Tuy thế, Lagos đã trở thành thị trường bán lẻ ngà voi bất hợp pháp lớn nhất ở châu Phi. Ngà voi được vận chuyển bằng nhiều con đường từ Đông Phi, từ Kenya tới Nigeria. Người dân Nigeria xuất khẩu ngà voi sang Trung Quốc. Các quốc gia láng giềng xuất khẩu nhiều loại mặt hàng từ ngà voi sang Nigeria. Do vậy, đây là một trung tâm tập trung và phân phối ngà voi cũng như các sản phẩm từ chúng [4].

Tại Malawi

Malawi từ lâu đã trở thành điểm nóng săn bắn trái phép. Các phi vụ buôn bán trái phép trị giá hàng tỉ USD ở khu vực này ước tính giết hại 20.000 con voi/năm Đất nước nghèo nhất thế giới này từng thiêu hủy số ngà voi trị giá hơn 7 triệu USD nhằm thể hiện sự cam kết của Malawi trong hoạt động bảo tồn đời sống tự nhiên và chống nạn buôn bán động vật hoang dã. Gần 4 tấn ngà voi bị bắt giữ đang trữ trong kho ở Malawi bị đốt cháy ngay tại trụ sở quốc hội, Đây là một hành động quyết liệt tiếp theo hành động tiêu hủy 6 tấn ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi tại Ethiopia[11].

Tại Zimbabwe

Nạn săn trộm voi ở Zimbabwe tiếp tục gia tăng. Tại một công viên quốc gia Hwange đã phát hiện thêm 26 con voi chết do chất độc xyanua. Người ta tìm thấy xác 16 con voi ở khu vực Lupande và 10 con khác ở Chakabvi phát hiện 14 bộ ngà voi bị bỏ lại. Có 40 con voi ở công viên quốc gia Hwange, Zimbabwe, bị đầu độc để lấy ngà trong vòng hai tuần. Đầu độc voi bằng xyanua đang trở thành vấn nạn lớn tại đây. Chất độc xyanua rất dễ mua bởi nó được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp khai khoáng ở Zimbabwe. Năm 2013, 300 con voi trong công viên quốc gia Hwange chết do những kẻ săn trộm trộn xyanua vào các hồ muối.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Săn voi http://vi.rfi.fr/tong-hop/20120103-nan-san-giet-vo... http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/chuyen-la/cu... http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/chuyen-la/th... http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/do-ng-va-t-q... http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/moi-truong/v... http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/thuc-khach-t... http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/voi-4-tan-bi... http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/voi-trung-te... http://dantri.com.vn/xa-hoi/mot-chuyen-san-voi-cua... http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_khoahoc/_...